Tiền đề Chấn hưng Phật giáo

Đầu thế kỉ 20, trên thế giới xuất hiện nhiều phong trào tìm hiểu khôi phục lại các giá trị của Phật giáo, chấn hưng Phật học. Bắt đầu từ cư sĩ David Hewavitarane, người Sri Lanka, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala, phong trào lan rộng nhanh chóng. Tại Trung Quốc, cư sĩ Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tịnh xá, triệu tập nghiên cứu Phật học qua chữ Hán, Anh vănPali. Tiếp đó Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912, ra Tạp chí Giác Xã năm 1918, sau đổi thành Hải Triều Âm, làm tiền đề cho nhiều Phật học viện ra đời; các hiệp hội Tăng Giáo dục, Phật giáo Hợp Tiến, Phật giáo Tổng Hội, Phật giáo Liên Hiệp, Phật giáo Cư Sĩ Lâm... liên tiếp ra đời. Tại Myanma, Sri Lanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan phong trào đổi mới Phật sự cũng được lan rộng.

Từ cuối thế kỉ 19, sự phát triển của chữ Quốc ngữ và hệ thống báo chí, giao thông đã góp phần làm cho sự liên lạc giữa các vùng miền được sâu rộng hơn, do đó nhu cầu tìm lại các giá trị văn hóa truyền thống cũng mạnh mẽ hơn.

Khoảng năm 1920, tại Việt Nam có duy trì một đào tràng tại các chùa lớn do các hòa thượng dẫn dắt như:

  • Tại miền Nam: Thiền sư Thích Từ Phong giảng dạy tại chùa Giác Hải; Thiền sư Khánh Hòa tại chùa Tiên Linh; Thiền sư Chí Thành tại chùa Phi Lai, chùa Giác Hoa; Thiền sư Huệ Quang tại chùa Long Hòa; Thiền sư Khánh Anh tại chùa Long An.
  • Tại miền Trung: Thiền sư Tuệ Pháp giảng dạy tại chùa Thiên Hưng; Thiền sư Thanh Thái chùa Từ Hiếu; Thiền sư Đắc Ân chùa Quốc Ân; Thiền sư Tâm Tịnh chùa Tây Thiên; Thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp; Thiền sư Phổ Tuệ chùa Tĩnh Lâm.
  • Tại miền Bắc: Hòa thượng Thích Thanh Hanh giảng dạy tại chùa Vĩnh Nghiêm; chùa Bà Đá cũng là một đạo tràng lớn; Thiền sư Thích Thanh Thao - Đỗ Văn Hỷ in ấn kinh sách rất nhiều.